Thế Giới Côn Trùng 
  Tư vấn nuôi côn trùng qua facebook  Đăng ký nhận tài liệu côn trùng 
Tìm kiếm
Danh mục
Sản Phẩm Mới
 Bò cạp hết thời, bọ xít lên ngôi

Bò cạp món ăn phổ biến tại các quán nhậu ở Hà Nội từ gần 2 năm nay - giờ đã không còn được coi là “hàng độc” nữa. Dân nhậu đất Hà thành giờ lại đang kháo nhau tìm ăn bọ xít, sâu đục thân dừa, tằm khô, dế mèn, sáp ong non...

Bò cạp hết thời! Bọ xít lên đời đặc sản!
 

 Chế biến món ăn từ dế mèn 
Trong chuyến công tác ở một tỉnh miền núi cách đây mấy năm tôi được thết đãi một món đặc sản mà theo mấy anh bạn thân thì “quý lắm mới đãi nhau thứ mà tôi chưa từng được ăn bao giờ”.
 
Ngồi vào mâm, anh bạn tự tay bưng ra một đĩa rang, đen như mun và mỗi thứ chỉ bằng đầu ngón tay út. Tôi nhìn món ăn lạ tỏ vẻ ái ngại thì được anh bạn khuyến khích: “Cứ ăn thử một con, nếu thấy ngon thì ăn tiếp còn không thì thôi”. Tôi nhắm mắt, rụt rè và thận trọng đưa vào miệng món ăn mà anh bạn gọi là đặc sản ấy...
 
Cảm giác giòn tan, béo ngậy tan trong miệng mà quả thật tôi chưa từng có bao giờ. Ngon thật! Đĩa “đặc sản” không nhiều nhưng vì là “khách quý” nên hơn nửa đĩa được dành cho tôi. Gần cuối bữa ăn tôi quay sang anh bạn hỏi thì anh nháy mắt tinh quái và lấp lửng hỏi lại tôi: “Thế cậu ăn có ngon không?”...
 
Cuối bữa anh mới rỉ tai nói thật: Con bọ hung đấy! Ngay lập tức, cảm giác buồn nôn trào ra trong cổ họng, tôi muốn móc họng để đẩy thứ “đặc sản” mà tôi vừa “thưởng thức” ấy ra ngoài thì anh bạn tôi lại giải thích: Bọ hung ở đây không phải lấy từ bãi “phóng uế” như dưới xuôi anh vẫn thấy đâu mà phải dày công “nhặt” từ... những đống phân trâu!
 
Bọ xít hôi nhất là ngon nhất!
 
Bẵng đi một thời gian, dạo này người Hà Nội lại rộ lên chuyện đi ăn “đặc sản” côn trùng. Mấy hôm trước, có một chút “kinh nghiệm” từ dạo thưởng thức món ăn côn trùng trước đây, tôi tự tin tỏ ra mình là người sành điệu, đến thẳng nhà một chị bạn ở Hà Nội chờ thưởng thức món côn trùng dưới xuôi. Vừa đến cửa, mùi hôi hắc đậm đặc bốc lên từ chảo bọ xít mà chị đang rang thật khủng khiếp. Tuy nhiên, sau một hồi chế biến thì bọ xít đúng là món đặc sản thật!
 
Kể về những món “đặc sản” từ côn trùng, thạc sĩ Nguyễn Viết Hải, Viện Di truyền Nông nghiệp, hào hứng: “Chúng tôi thường gọi bọ xít là “tôm nhãn”, dế mèn là “tôm bò”, còn châu chấu là “tôm bơi”. Cả 3 loại “tôm” này đều rất ngon mà ngon nhất là bọ xít. Tất cả các loại bọ xít đều ăn được nhưng loại ngon nhất là bọ xít nhãn - loại hôi nhất”.

Món bò cạp trượt tuyết
Món bò cạp trượt tuyết
 
Anh Hải nói, ngoài bọ xít, rất nhiều loại côn trùng khác cũng ăn được như: tằm chín, bò cạp, ong non, “người miền Nam có món xôi hấp sâu đục thân dừa (con đuông) cực thơm. Cả nồi xôi chỉ cần một con sâu là vàng ươm, thơm phức, ăn một lần, nhớ mãi”. Nguyễn Văn Thành, sinh viên Đại học Nông nghiệp I, Hà Nội, kể nhiều người không dám ăn bọ xít vì hình dáng nó trông rất ghê, lại có mùi hôi có thể nói là khủng khiếp. Thế nhưng, tuyến hôi của bọ xít là protein (este) nên khi gặp nhiệt độ cao các chất này đều bị bay hơi.
 
“Tất nhiên là khi nướng hoặc rang thì mùi trong bếp thật là... hôi, nhưng xong rồi thì lại thơm và sạch lắm, vì bọ xít chỉ hút nhựa cây. Ở đâu thì em không biết chứ sinh viên nông nghiệp thì ăn vô tư” – Thành cười, nói. Tại Hà Nội, một số món côn trùng như bò cạp, châu chấu, tằm khô đã được bán từ vài năm trở lại đây, đã là món quen thuộc trên bàn nhậu nhưng bọ xít thì chỉ có một hay hai quán ăn bán thử nghiệm trong vài tháng gần đây.
 
Một chủ quán nhậu ở quận Thanh Xuân, nơi có bán bọ xít, cho biết lượng khách yêu cầu món này cũng chưa nhiều nhưng quán vẫn phục vụ vì lãi rất cao. Ông này cho biết, 1 kg bọ xít mua vào chỉ 10.000 đồng, qua chế biến sẽ được bán với giá 80.000 đồng/kg.
 
Côn trùng - ăn bổ lắm?
 
Thực ra, chỉ có dân thành thị mới coi thức ăn từ côn trùng là món mới, lạ mắt, lạ miệng còn đối với người dân các vùng quê thì chuyện ăn châu chấu, cánh cam, bọ dừa, ong non hay bọ xít đều khá bình thường. Vào dịp tháng 7, tháng 8 - thời điểm cuối mùa nhãn, vải, sau cả mùa “tiêm chọc” hoa quả, bọ xít con nào con nấy béo ngậy nên rất nhiều nơi chén món “đặc sản” này.
 
Chị Lê Thị Hằng, quận Đống Đa - Hà Nội, thừa nhận: “Ngày còn nhỏ tôi đã ăn món bọ xít, chế biến theo cách của trẻ con thì rất đơn giản, chỉ bắt rồi nướng lên ăn. Còn bây giờ được chế biến kỹ hơn. Đối với bọ xít, tôi ngâm 30 phút nước muối, sau đó là 30 phút với nước vôi rồi rửa sạch và rang lên. Đây là món ăn rất bùi, thơm và ngon, cứ một hai tuần nhà tôi lại “cải thiện” bữa ăn bằng món bọ xít tẩm bột rán!”.
 
Những người khoái ăn côn trùng đều khẳng định là món này rất ngon chứ không ai biết liệu nó có “bổ” hay có lợi gì cho sức khỏe không. Thạc sĩ Nguyễn Viết Hải đánh giá món ăn côn trùng có giá trị dinh dưỡng cao bởi có nhiều axit amin, không cholesterol, hàm lượng các loại vi chất cũng rất cao. Một số nhà nghiên cứu tin tưởng, côn trùng sẽ trở thành thức ăn trong tương lai bởi chúng ngon, rẻ, dễ săn bắt và đặc biệt là có số lượng vô cùng phong phú (khoảng hơn 1 tỉ tỉ cá thể trên trái đất). Ngoài ra, chúng được xem là nguồn thực phẩm sạch, không để lại dư lượng và không mang các dịch bệnh cho con người...
 
Tuy nhiên, trên thực tế, chưa có một công trình nghiên cứu đúng nghĩa nào chứng tỏ côn trùng là món ăn bổ dưỡng, tất cả đều từ các kinh nghiệm dân gian truyền lại. Thạc sĩ Hải cũng tiết lộ, hiện các nhà nghiên cứu đang chuẩn bị cho một công trình mới, đó là các món ăn từ trứng kiến. Theo anh Hải, trứng kiến không chỉ là “đặc sản” hảo hạng mà có thể chế biến thành một số loại dược liệu quý và rất tốt cho sức khỏe con người.
 
Làm gì để côn trùng không chỉ là món nhậu?
 
Chị Trần Quỳnh Thơ, phụ trách marketing nhà hàng Oasis (Hà Nội), cho biết rất nhiều khách hàng hỏi về món ăn côn trùng như bọ xít, trứng kiến... nhất là khách nước ngoài. Món ăn này cũng không phải là đắt nên tôi nghĩ có thể bán cho khách trong nước”. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi chị có ăn được những món đó không thì chị Thơ lại cho biết: “Chưa dám ăn vì sợ mùi hôi của loài côn trùng...”. Thế là rõ, riêng vấn đề tâm lý đã là trở ngại lớn để thực khách tiếp cận với món ăn côn trùng, chưa kể đến việc nhiều người còn băn khoăn không biết nó có độc hại gì không?
 
Hiện nay, trên thế giới và ngay tại khu vực ASEAN, món ăn côn trùng tuy không thể nói là phổ biến nhưng cũng đã có những thành công bước đầu, nhất là trong việc hấp dẫn khách du lịch. Tại Việt Nam, có lẽ đã đến lúc, các nhà khoa học cần nghiên cứu một cách nghiêm túc thức ăn từ côn trùng. Chỉ rõ những loài nào ăn được, loài nào không. Hàm lượng dinh dưỡng trong các loài ăn được ra sao. Cách chế biến thế nào cho khoa học... Bởi nếu chỉ nói chung chung là “ăn được, bổ lắm” thì chỉ có dân nhậu mới dám chơi, còn người thường thì vẫn còn phải đặt một dấu hỏi to đùng khi nhìn thấy những món “đặc sản” này!
Tác giả: tsk2e
Nguồn: sưu tầm
Đăng nhập
Giỏ hàng
Bạn đang có 0 sản phẩm trong giỏ hàng
Xem giỏ hàng
Sản Phẩm Hot
Hỗ trợ trực tuyến



The Gioi Con Trung