Thế Giới Côn Trùng 
  Tư vấn nuôi côn trùng qua facebook  Đăng ký nhận tài liệu côn trùng 
Tìm kiếm
Danh mục
Sản Phẩm Mới
 

Săn bò cạp, mối chúa ở núi Thất Sơn

Bò cạp chiên giòn, bò cạp nướng… đang là món ăn khoái khẩu của dân nhậu. Chưa hết, bò cạp còn dùng để ngâm rượu trị đau khớp, nhức mỏi. Mối chúa, tắc kè cũng được xem là thuốc quý “tăng cường sinh lực”. Tất cả đang trở thành đặc sản cuốn hút hàng trăm người dân vùng núi Thất Sơn (An Giang) vào cuộc săn lùng...



Pha đèn đi... bắt bò cạp, mối chúa.

Phải hẹn năm lần bảy lượt, chúng tôi mới gặp được “thợ cả” Bùi Văn Đằng, người chuyên bắt bò cạp ở núi Thất Sơn. Từ Tịnh Biên, vượt qua con đường ngoằn ngoèo nhiều đồi dốc mất cả giờ đồng hồ mới đến được nhà ông ở chân núi Phú Cường. Biết chúng tôi tìm đến vì chuyện bò cạp, ông vui vẻ mời trà nước, rồi chuẩn bị đồ nghề chờ đến tối để lên đường săn… bò cạp.

Bò cạp được bắt cho vào thau.
Trời sụp tối, núi rừng Thất Sơn hùng vĩ vắng lặng- lạnh ngắt. Xa xa phía Đông núi Phú Cường, lác đác vài ngọn đèn dầu, không gian yên vắng chỉ có tiếng ve sầu rỉ rả buồn não ruột. Trời càng tối, gió thổi càng mạnh, sương mù xuống lạnh cả người. Ông Đằng bảo chúng tôi mặc áo ấm vào để xuất phát. Đồ nghề mang theo hết sức đơn giản: 1 bình ắc-quy loại nhỏ đeo sau lưng, bóng đèn soi mang trên đầu, tay cầm chĩa 3 mũi… Chỉ cần nhìn qua đã biết ngay ông là tay “săn” chuyên nghiệp. Tôi và anh Tư Nguyên (cháu ông Đằng) theo sau cầm thùng đựng… bò cạp.
 
Hơn 19 giờ, chúng tôi khởi hành. Ông Đằng đi trước, pha đèn dẫn đường ra phía sau núi rồi vòng qua những bờ đê cao. Ông bảo, thông thường bò cạp sống ở chân núi theo kẹt đá hoặc bờ đê, bờ ruộng cao ráo. “Thói quen của bò cạp là chỉ ra khỏi hang vào ban đêm để tìm thức ăn. Muốn bắt được bò cạp, phải chờ lúc này” vừa dứt lời đã thấy ông Đằng dừng lại, lấy chĩa 3 mũi chặn ngay miệng hang, một cục đen xì rút lui vào hang nhưng bị kẹt lại. Và lập tức bị ông tóm cổ.
 
 “Đúng là con bò cạp to đùng, mập ú. Con này ít nhất cũng đủ tiền mua lít rượu!”, ông Đằng khoái chí khoe. Con bò cạp chạy nháo nhào xung quanh thùng, 2 càng quơ quơ, còn cái đuôi như cây kim nhọn cong lên trông dữ tợn.
 
Tư Nguyên giải thích thêm: “Bò cạp lạ kỳ lắm, ban đêm nó rất nhanh và dữ, nhưng ban ngày thì nằm một chỗ ít cắn ai. Muốn bắt bò cạp, anh cứ đè đuôi xuống thì không bị cắn”. Đi tiếp vài bước, gặp đàn bò cạp 3 con ra khỏi hang đi ăn đêm, ông Đằng nhanh tay giữ miệng hang không cho chúng vào. Tư Nguyên đẩy tôi lại kêu bắt bò cạp một lần cho biết. Tôi phân vân nhưng cũng cố thử một phen. Hai tay run run chộp xuống thì bị bò cạp chích vào ngón tay cái đau điếng. Một con nằm cạnh quơ càng kẹp thêm vào tay rướm máu. Cố bắt bò cạp bỏ vào thùng xong, ngón tay tôi đã nhức buốt. Thấy tôi lo lắng, ông Đằng trấn an: “Chịu nhức khoảng 10 phút sẽ hết, không có hại gì đâu. Hồi mới vào nghề, ai mà chẳng bị bò cạp chích đầy tay, nhưng lâu ngày rồi quen không sợ nữa”.

Băng qua cánh đồng An Nông, chúng tôi sang khu vực núi Cấm. Ông Đằng thay đổi ý định từ việc săn theo triền núi sang bờ cao cạnh những đám rẫy khoai mì. Theo ông Đằng, thời gian gần đây nhiều người bắt liên tục làm bò cạp nhát, do đó phải chuyển hướng khác mới mong tìm được nhiều. Quả là chuyên gia săn bò cạp nên ông đoán được đường đi- nước bước của chúng. Chỉ pha đèn đi qua 3 bờ ruộng ông đã bắt được gần 40 con bò cạp. Nhiều nơi bò cạp xuất hiện dày đặc, bắt mê tay.
Càng về khuya, chuyến đi săn càng hứng thú và tôi trở thành người “xung phong” bắt bò cạp lúc nào chẳng hay. Khoảng 1 giờ khuya, thùng đựng bò cạp đã nặng, ánh sáng từ bình ắc-quy yếu dần do cạn điện. Đôi chân tôi cũng nặng nề hơn bởi di chuyển liên tục nhiều giờ liền, hết triền núi sang bờ đê khó đi và không ít lần bị té… Về đến nhà, ông Đằng đếm thử được hơn 100 con bò cạp. Một đêm săn như vậy là rất khả quan. Đi săn bò cạp quả là vất vả nhưng cũng là một cái thú của người dân vùng núi Thất Sơn.

Theo nhiều người dân địa phương, nghề săn bò cạp mới xuất hiện khoảng hai năm nay, mà ông Đằng là một trong những người đầu tiên làm nghề này. Ông Đằng nhớ lại: “Cách nay 2 năm, có một người ở Châu Đốc vào tận đây đặt 1.000 con bò cạp ngâm rượu với giá 1,5 triệu đồng. Nhiều hộ đời sống khó khăn nên nghe xong liền sắm đồ nghề làm ngay. Hôm giao bò cạp cho khách mới biết bò cạp ngâm rượu trị đau khớp, đau lưng và làm món ăn… Vài ngày sau, cả chục người đến hỏi bò cạp, rồi những thương lái ở chợ biên giới Tịnh Biên cũng vào đặt bò cạp. Vậy là hàng trăm người trong vùng lân cận kéo nhau đi săn bò cạp luôn đến bây giờ”. Trung bình, mỗi người săn bò cạp thu được 70.000đ - 100.000đ/đêm; đêm nào “trúng” được 150.000đ.

Ngoài bò cạp, nhiều hộ còn đi đào mối chúa để bán. Theo anh Nguyễn Tấn Giang, xã An Nông: “Để đào được mối chúa khó khăn vô cùng, chưa kể bị mối càng “giữ cửa” cắn chảy máu. Trước tiên, phải tìm những gò mối cao ven chân núi, sau đó dùng xà beng đào sâu vào giữa gò mối; đến khi nào thấy cục đất cứng như cái đĩa nằm rời trong hang, có mặt ngoài láng o chính là nơi mối chúa ở. Bình quân mỗi ổ mối chỉ có duy nhất một con mối chúa, khi bắt xong phải bỏ ngay mối chúa vào bình rượu gốc để ngâm, nếu không mối bị chảy sữa và hư”.

    *
      Chợ bò cạp biên giới

Rượu mối chúa và bò cạp bày bán rất nhiều ở chợ biên giới Tịnh Biên

Sáng hôm sau, chúng tôi tìm ra chợ biên giới Tịnh Biên. Tại đây có khoảng 20 hộ chuyên kinh doanh bò cạp, mối chúa, tắc kè bông, tắc kè cánh, bìm bịp… Giá bò cạp nhỏ từ 1.500đ - 2.000đ/con; bò cạp lớn 2.500đ - 3.000đ/con; mối chúa 15.000đ - 20.000đ/con; tắc kè 15.000đ/con…

Chị Lê Thị Minh Châu, bán bò cạp được gần 2 năm cho biết: “Khách hàng chủ yếu là dân du lịch từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh khác tới. Mỗi khi có xe lớn ghé, họ giành nhau mua - bán không kịp. Hôm nào đắt cũng được 1 – 1,5 triệu đồng, còn trung bình cũng bán được khoảng 300 ngàn – 500 ngàn đồng/ngày, sống khỏe re”.

Còn bà Phạm Thị Kim Em hớn hở khoe: “Mới tuần rồi, bán cho vị khách ở Sài Gòn 2 hũ mối chúa được 1,4 triệu đồng. Họ còn đặt thêm, hẹn tháng sau xuống lấy…”.

Hiện tại, ngoài người dân ở Tri Tôn và Tịnh Biên, nhiều người Campuchia sống dọc biên giới giáp với Việt Nam cũng tham gia bắt bò cạp và mối chúa từ nước họ mang qua bán. Từ đó, tạo nên phong trào săn côn trùng sôi động. Chợ bò cạp tự phát ở biên giới Tịnh Biên cũng hoạt động suốt ngày không nghỉ. Nhiều quán nhậu ở các nơi xa gần cũng đặt mua bò cạp để làm món nướng hoặc chiên xù. Món này béo ngậy được dân nhậu rất mê…

Nghề săn bò cạp đang góp phần đáng kể tạo công ăn việc làm cho người dân vùng núi An Giang. Theo chính quyền địa phương, việc đào các ổ mối quanh triền núi và săn bò cạp không ảnh hưởng hay xáo trộn đất đai nên không cấm đoán bà con làm để tăng thu nhập. Tuy nhiên, chuyện bò cạp, mối chúa… trị được một số bệnh hay tăng cường sinh lực… chưa có sách khoa học nào khẳng định. Mặc dù, thực tế đã có một số người sử dụng có kết quả, nhưng về liều lượng, cách ngâm, pha chế, sử dụng… chưa ai biết, tất cả chỉ làm qua sự truyền miệng.

Theo Hội Đông y tỉnh An Giang, việc dùng mối chúa chỉ nghe trong kinh nghiệm dân gian. Riêng về bò cạp thì Đông y đã có nghiên cứu và trên thế giới nhiều người vẫn ăn bò cạp. Nhưng không phải vì thế mà ta lạm dụng quá mức hoặc ai cũng có thể dùng được. Do đó, khi sử dụng bò cạp thì nên hỏi ý kiến của thầy thuốc để tránh những việc đáng tiếc xảy ra. 

Đăng nhập
Giỏ hàng
Bạn đang có 0 sản phẩm trong giỏ hàng
Xem giỏ hàng
Sản Phẩm Hot
Hỗ trợ trực tuyến



The Gioi Con Trung